Chạy về quê trong đêm để giúp bà con
"Ngoài đặc sản là chè,tiki tỉnh Thái Nguyên còn nhiều sản phẩm ngon và chất lượng khác như: na, nước tương, cơm cháy, mì gạo… Thật sự mình rất tự hào khi được liên kết với Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên để live (tức livestream - PV) bán giúp những sản phẩm của bà con trên sàn thương mại điện tử". Đó là lời giới thiệu của Dương Thị Hồng (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, trong phiên livestream bán hàng ở tỉnh Thái Nguyên cùng với nhiều TikToker nổi tiếng khác vào đầu tháng 8 vừa rồi.
Phiên chợ trên gồm 5 điểm livestream tại vườn với các gian hàng trưng bày, bán quả na và những sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của các HTX, cơ sở sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các nền tảng số, Hồng cùng mọi người đã livestream và bán được 1.650 đơn hàng với 6,3 tấn na. Ngoài ra, còn bán được hơn 500 đơn hàng các sản phẩm khác, như: trà, miến, bánh chưng, măng nứa, kẹo lạc, trà xanh, gạo nếp, tương nếp…
Hồng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên, sau đó xuống TP.Hà Nội học tập, sinh sống. Năm 2021, Hồng lập kênh TikTok (hiện có hơn 270.000 người theo dõi), sáng tạo nội dung về những câu chuyện xung quanh đời sống sinh viên.
"Vào một buổi tối, mình bất ngờ nhận được lời mời tham gia livestream bán nông sản giúp người dân từ chính quyền địa phương ở tỉnh Thái Nguyên. Và mình đã lập tức bắt xe về ngay trong đêm", Hồng kể và chia sẻ thêm: "Mình hiểu được những vất vả, khó khăn của bà con nông dân, thường phải chịu cảnh được mùa thì mất giá và ngược lại. Do đó, khi có cơ hội, mình tự hứa phải cố gắng làm sao cho nông sản do bố mẹ, bà con làm ra sẽ được nhiều người biết đến".
Ngoài ra, Hồng còn đi livestream miễn phí giúp bán nông sản cho người dân ở tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và lần nào số lượng bán ra cũng rất cao.
"Sau những buổi live đó, mình có động lực rằng giới trẻ hoàn toàn đủ khả năng để ủng hộ nông sản VN, giúp bà con kinh doanh rau củ quả trên nền tảng số", Hồng bộc bạch.
"Trước khi live, mình phải hỏi chuyện bà con để biết thông tin, hiểu được quá trình tạo ra nông sản. Đồng thời luôn giữ năng lượng tươi vui, nói chuyện nhẹ nhàng. Có những đợt live cùng với các anh chị là TikToker nổi tiếng khác, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, mình đã chủ động tìm hiểu thông tin về người đồng hành để tạo ra các câu chuyện tung hứng, tránh bị ngập ngừng, khựng lại giữa chừng", Hồng chia sẻ thêm kinh nghiệm livestream bán nông sản.
Không còn phải chịu cảnh được mùa mất giá
Hiện nay, nhiều người trẻ tận dụng nền tảng mạng xã hội để livestream bán nông sản giúp bà con vùng quê. Việc này cũng đã giúp thay đổi cách thức kinh doanh của người nông dân, từ đó tăng sản lượng tiêu thụ.
Điển hình như chị Lương Thị Yến Vân, giám đốc một HTX chuyên trồng và kinh doanh hơn 150 loại rau củ quả ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cũng học cách livestream bán hàng trên nền tảng số sau khi nghe câu chuyện các bạn trẻ "lên đơn, chốt đơn" ở các phiên chợ trực tuyến.
Bắt đầu vào tháng 9.2022, chị Vân đã chuyển đổi hình thức kinh doanh bằng việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như bán trực tiếp trên các phiên livestream.
Chị Vân thừa nhận giai đoạn tiếp cận ban đầu bao giờ cũng khó khăn. "Lúc đầu tôi nghĩ bán hàng trực tuyến sẽ dễ bị lừa vì người mua không trả tiền liền như trước đây, mà mình phải gửi hàng đi, vài ngày sau mới biết tiền có vào tài khoản hay không. Tuy nhiên, sau khi nghe giải thích cũng như chứng kiến quá trình đưa nông sản lên live của các bạn trẻ thì tôi đã bị thuyết phục", chị Vân kể.
Ngay sau đó, chị Vân bắt tay với các thành viên HTX để tạo nên một kênh TikTok riêng (hiện đạt hơn 200.000 lượt theo dõi). Tại đây, mọi người hay livestream bán và giao nông sản ngay sau khi thu hoạch. Sau khi livestream trên TikTok, các video còn được chị Vân đăng lên fanpage, thu hút hàng ngàn người xem cùng với hàng trăm lượt đặt mua nông sản.
"Thời gian rảnh, mọi người còn làm clip đăng lên mạng xã hội mô tả về công việc, quá trình thu hoạch thực tế như thế nào, từ đó khách sẽ an tâm hơn khi mua hàng. Tôi nhận thấy ngay cả những khoảnh khắc bình thường nhất ở nông trại cũng có thể trở thành nội dung thú vị để đưa lên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem", chị Vân chia sẻ.
Hầu như những kiến thức kinh doanh qua mạng chị Vân đều tự mày mò, học từ các bạn trẻ, từ cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm trên mạng đến việc nói chuyện, bắt đầu một phiên livestream như thế nào để thu hút người xem.
"Thời gian đầu tôi rất ngại ngùng và không biết nói gì khi đứng trước điện thoại, nhiều lúc không kịp trả lời bình luận của mọi người. Nhưng dần rồi quen, nhờ sự giúp đỡ của các bạn trẻ trong HTX mà tôi phát triển từng ngày trong việc kinh doanh trong thời đại số, biết cách truyền tải nội dung một cách tự nhiên", chị Vân tâm sự.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Vân cho hay từ ngày có phương thức bán hàng mới, các thành viên trong HTX không còn lo về việc được mùa mất giá và ngược lại. "Nhờ những phiên live, các clip chân thật mà khách hàng yên tâm, ủng hộ nông sản. Trung bình mỗi tháng HTX kiếm từ 10 - 12 tỉ đồng nhờ việc đưa nông sản lên live và sàn thương mại điện tử", chị Vân nói.